Gia tăng mua bán hàng trực tuyến

Doanh nghiệp chăm chút hơn cho hoạt động bán hàng online, thậm chí đầu tư để tiếp thị, bán hàng ra thị trường quốc tế thông qua chợ mạng

Trong khi số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trong những ngày gần đây, để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, Bộ Công Thương và chính quyền TP HCM đều kêu gọi người dân hạn chế có mặt nơi đông người, ưu tiên lựa chọn mua sắm hàng hóa trực tuyến.

Khách giảm chi tiêu, tăng mua hàng trực tuyến

Từ sau Tết, khi dịch Covid-19 bùng phát, người tiêu dùng giảm hẳn các khoản chi cho những sinh hoạt không thiết yếu. Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Rạng Đông, xác nhận kinh doanh rất khó khăn vì người tiêu dùng chỉ chi tiêu cho y tế, hàng thiết yếu, ăn uống. Riêng các mặt hàng nhựa của công ty có đến 30% không bán được, cả ở kênh bán sỉ lẫn bán lẻ. “Chúng tôi có bán một số sản phẩm đầu cuối trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhưng cũng không mấy khả quan. Tình hình này công ty phải đốc thúc bộ phận kinh doanh chủ động tìm đến khách hàng nhiều hơn và tìm hướng xuất khẩu, chỉ mong trụ lại được là tốt lắm rồi” – ông Lam kém lạc quan.

Một số doanh nghiệp (DN) may mặc thời trang, cà phê cũng rầu rĩ khi doanh thu bán hàng tại thị trường nội địa đã giảm 70% – 80%. Tổng giám đốc một DN sản xuất quần áo jeans than thở từ doanh thu trung bình 20 tỉ đồng/tháng, trong tháng 2 vừa qua tổng cộng các cửa hàng của công ty ở trong nước chỉ thu về khoảng 4 tỉ đồng. “Khách đi siêu thị, trung tâm thương mại giảm đáng kể. Người đi siêu thị chỉ mua đồ ăn thức uống, vật dụng cần thiết chứ không để mắt tới quần áo thời trang” – vị tổng giám đốc này nêu thực tế và cho biết ông cũng như nhiều DN may mặc khác đều lo ngại tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn thì khó khăn sẽ gia tăng gấp bội.

“Nếu tình hình xấu đi, chúng tôi vừa thiếu nguyên liệu sản xuất vừa không bán được hàng. Đó là chưa kể xu hướng khách hàng mua sắm online nhiều hơn buộc phải mở rộng hình thức phân phối, đầu tư cho mảng kinh doanh trực tuyến nếu không muốn bị khách hàng bỏ quên” – vị tổng giám đốc này nói thêm. Thực tế, một số DN may mặc, giày da đã đẩy mạnh hơn hoạt động bán hàng trực tuyến.

Trong khi đó, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang khá nhanh nhạy trong việc thích ứng với xu hướng thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Tất cả các thông tin trên website và bán hàng qua mạng mô tả rất chi tiết, có cả video hướng dẫn cho khách hàng thao tác trên sản phẩm và bộ phận chăm sóc khách hàng phục vụ 24/24 giờ. Theo bà Mai Thị Hương, Trưởng bộ phận Truyền thông Công ty Điện Quang, những thay đổi này đã giúp doanh thu bán hàng trực tuyến tăng mạnh, công ty phải ký hợp đồng thuê thêm 2 đơn vị giao nhận mới kịp giao hàng cho khách. “Biết tâm lý khách ngại đến cửa hàng, trung tâm mua sắm xem hàng mẫu nên chúng tôi cố gắng cung cấp thông tin, giới thiệu sản phẩm trên kênh mua sắm điện tử nhiều nhất có thể. Nhờ vậy mà mảng kinh doanh tương đối ổn định, khâu sản xuất cũng trơn tru do chủ động được nguyên liệu đầu vào” – bà Hương tiết lộ.

Tiếp thị, bán hàng trên không gian mạng

Mới đây, Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ TP HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) và Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác với các DN công nghệ trong và ngoài nước nhằm chuyển đổi số và thúc đẩy bán hàng qua kênh TMĐT. Trong thỏa thuận này, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) sẽ hỗ trợ kết nối hợp tác các hội viên của HAWA với các nền tảng TMĐT (như Amazon, Wayfair, Shopify…) hoặc các trung gian bán hàng trên các nền tảng TMĐT. Silversea Media Group (Singapore) sẽ giới thiệu các giải pháp công nghệ và thúc đẩy tiềm năng của ngành công nghệ chế biến gỗ Việt Nam, đẩy xuất khẩu ra thị trường thế giới và cải thiện thị trường nội địa bằng các giải pháp công nghệ tiên tiến.

HAWA kỳ vọng mô hình nền tảng kinh doanh từ offline đến online (O2O) sắp triển khai hứa hẹn sẽ là nền tảng vững chắc giúp DN duy trì và tăng trưởng bền vững. Theo HAWA, nhu cầu sản phẩm gỗ nội thất trên thị trường vẫn có, trong lúc nguồn cung từ Trung Quốc đang gián đoạn vì ảnh hưởng dịch Covid-19, các khách hàng lớn từ Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật… đang tìm kiếm những thị trường sản xuất ngoài Trung Quốc, các DN đồ gỗ Việt cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này. Mới đây, nội thất Nhà Xinh và một số DN khác thuộc HAWA thử nghiệm mô hình TMĐT, kết hợp với thực tế ảo (Virtual Reality) để giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Ứng dụng này cho phép người mua chỉ cần ngồi máy tính vẫn có thể xem được tất cả mẫu mã sản phẩm mà DN trưng bày, thậm chí tham quan nhà xưởng trên không gian 3D và có thể tương tác trực tiếp vào những sản phẩm mà mình quan tâm. Mẫu sản phẩm sẽ quay 360 độ để khách hàng có thể thấy được mọi góc cạnh, thông số mặt hàng quan tâm. “Cái hay của sàn TMĐT này là khách hàng có thể biết được thông tin mẫu mã, giá cả, năng lực sản xuất của DN Việt” – đại diện HAWA nêu.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM, cho biết VECOM sẽ mở tài khoản chung trên Amazon, mọi người sẽ đưa sản phẩm lên; các DN công nghệ sẽ hỗ trợ xây dựng hình ảnh, thực tế ảo… “Chúng tôi sẽ nghiên cứu số liệu những sản phẩm tương tự đang bán trên Amazon để tư vấn cho DN sản phẩm nào đang bán tốt, sản phẩm nào có khả năng mang lại doanh thu lớn để trên cơ sở đó DN đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ có định hướng sản xuất phù hợp thị hiếu thị trường. “Nhiều hội chợ về đồ gỗ trên thế giới bị hủy hoặc lùi thời gian tổ chức trong khi các DN đồ gỗ Việt Nam không thể chào hàng, giới thiệu sản phẩm/thiết kế mới đến khách mua hàng quốc tế. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để phát triển hình thức tiếp thị, bán hàng online phạm vi quốc tế” – ông Dũng nói.

Đại diện VECOM cho biết để đi đến thỏa thuận hợp tác này, 2 năm nay HAWA rất tích cực trong việc phối hợp với các VECOM để ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Nếu HAWA đồng lòng, hợp tác mang lại kết quả tốt thì sẽ truyền cảm hứng cho DN nhiều lĩnh vực khác của Việt Nam mạnh dạn tiến vào thị trường kinh doanh trực tuyến bởi DN giày da, may mặc, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm… đều có thể bán hàng trên chợ mạng toàn cầu.

Nguồn: Thanh Nhân – Báo Người Lao Động