Ngành nhựa ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19

Trước những tác động của dịch Covid-19, ngành nhựa đang thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì chủ yếu vẫn phải nhập khẩu khoảng 85%, trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm nhựa cũng bị sụt giảm nghiêm trọng. Điều này đòi hỏi ngành nhựa phải có những giải pháp kịp thời nhằm giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp.

SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ GẶP KHÓ KHĂN

Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến ngành nhựa Việt Nam, ông Hồ Đức Lam – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, tiêu thụ sản phẩm ngành nhựa hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề. Hai từ “điêu đứng” phản ánh tình trạng chung cho hầu hết các doanh nghiệp nhựa về đầu ra, tiêu thụ sản phẩm, bởi Chính phủ áp dụng giãn cách xã hội để phòng chống dịch, điều này làm tê liệt gần như hoàn toàn các hoạt động sản xuất, giao thương trên thị trường nội địa; còn thị trường xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi lệnh cấm biên của chính phủ các nước.

Bên cạnh đó, thị trường nguyên liệu đầu vào, Trung Quốc là thị trường cung cấp nguyên liệu sản phẩm nhựa lớn thứ 4 của Việt Nam đang gặp khó khăn. Hiện không ít doanh nghiệp trong ngành nhựa nhập nguyên vật liệu đầu vào, hóa chất, phụ gia từ Trung Quốc. Như vậy, theo ông Lam, nếu tình hình dịch Covid-19 kéo dài đến hết quý II/2020 thì sẽ không có nguyên liệu sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến công ăn việc làm của công nhân, chi phí doanh nghiệp phải gánh chịu trong thời gian không có đơn hàng.

“Đến thời điểm này đã bước sang quý II, trong khi các chuyên gia khẳng định dịch có thể diễn biến phức tạp khó lường, vì vậy, các doanh nghiệp nhựa trong nước đối mặt với khó khăn là rất rất lớn, nếu đơn vị nào thật sự không có tiềm lực tài chính thì khó có thể trụ nổi”- ông Lam cho hay.

CHỦ ĐỘNG GIẢI PHÁP TRƯỚC ẢNH HƯỞNG CỦA DỊCH COVID-19

Để chủ động đề ra các giải pháp, ông Lam cho rằng, trước mắt, VPA với vai trò là đại diện một số công ty ngành nhựa đã có công văn chính thức gửi đến Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ngành nhựa bằng các biện pháp kinh tế vĩ mô như: đề xuất giãn nợ vay ngân hàng, giảm lãi vay, cho vay các gói lãi suất thấp, tăng thuế nhập khẩu với các sản phẩm nhựa của Trung Quốc đang hoành hành thị trường Việt Nam với giá rẻ, kiểm soát hàng nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch…

Điều quan trọng, bản thân doanh nghiệp phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng đúng nghĩa, tiết kiệm tối đa bằng các chính sách điều hành, như điều chỉnh biên chế nhân sự, cân đối ngân sách thu chi tuyệt đối, tăng cường hoạt động giao dịch online… và duy trì hoạt động cầm chừng để nuôi bộ máy hoạt động. Về lâu dài, các doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào từ nhiều nguồn khác nhau như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… hoặc có thể tự chủ sản xuất nguyên liệu chứ không để tình trạng hoàn toàn bị lệ thuộc vào Trung Quốc.

“Để có thể đạt được mục tiêu năm 2020 với ngành nhựa, cần sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cùng với đó là sự nỗ lực của các doanh nghiệp nhựa trong việc cùng chung tay phòng chống dịch, để đại dịch sẽ được kiểm soát nhanh chóng tại Việt Nam. Đây là điều kiện để doanh nghiệp ngành nhựa sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh” – ông Lam cho biết.

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam